lundi 15 février 2016

PHẢN ỨNG CỦA CHA MẸ TÔI KHI TÔI THEO ĐUỔI NGHỆ THUẬT

Thái San
Ảnh: Thái Nhàn

PHẢN ỨNG CỦA CHA MẸ TÔI KHI TÔI THEO ĐUỔI NGHỆ THUẬT

Mẹ tôi là một nhà trí thức, là thạc sĩ đông phương học, và cũng rất giỏi âm nhạc, hội họa, làm thơ. Có lẽ tôi đã thừa hưởng được nhiều khả năng bẩm sinh về nghệ thuật từ mẹ tôi. Khi mẹ tôi biết được tôi theo đuổi nghệ thuật, mẹ tôi rất vui và luôn ủng hộ tôi, góp ý kiến cho tôi khi xem từng cuốn phim tôi đóng hay khi nghe tôi hát mỗi bài hát. Mẹ tôi còn góp ý cho tôi cả ý kiến về trang phục. Là người Huế gốc Kim Long quý phái trâm anh, mẹ tôi rất khéo ăn mặc. Tôi nhận thấy mẹ tôi có nhiều yếu tố của một người nghệ sĩ. Mẹ tôi phải làm nghệ sĩ mới đúng. Dẫn mẹ tôi đi chùa, tôi còn nhớ Sư Bà hỏi mẹ tôi có phải là nghệ sĩ không?
Cha tôi là một nhà trí thức, là tiến sĩ sử học, và là thạc sĩ kinh tế. Khi tôi theo đuổi nghệ thuật, ông lại không thích. Tôi còn nhớ ngày xưa ở Đà Lạt khi tôi còn là sinh viên đại học và bắt đầu đi hát phòng trà khiêu vũ tại khách sạn Palace Đà Lạt, khi biết được chuyện này cha tôi đã đích thân đến gặp giám đốc khách sạn Palace Đà Lạt lúc đó cũng là người quen cha tôi để yêu cầu cấm không cho tôi được đến hát nữa, để mà tập trung lo học. Về sau tất cả mọi hoạt động nghệ thuật của tôi, từ ghi danh thi vào học trường nghệ thuật sân khấu và trường điện ảnh, từ ca hát đến đóng phim, hết thảy tôi đều không cho cha tôi hay biết vì tôi biết cha tôi không quan tâm con đường đi theo nghệ thuật của tôi. Những lúc tôi có chuyện vui buồn sân khấu điện ảnh, tôi chỉ còn biết chia sẻ với mẹ tôi và bạn bè đồng nghiệp là chính.

THÁI SAN
Viết ngày 27/1/2016

vendredi 20 septembre 2013

NGHE TIẾNG KINH XÉ LÒNG


 Từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái San xin gửi đến các bạn tấm ảnh chụp trước Thánh đường hồi giáo nguy nga Süleymaniye là nhà thờ hồi giáo to lớn nhất trong số 3028 nhà thờ hồi giáo tại Istanbul. 
 Thánh đường hồi giáo Süleymaniye được kiến trúc sư tài danh Sinan xây dựng từ năm 1550 đến năm 1557 cho Vua Suleiman I (1494-1566) là một vị vua lỗi lạc và trị vì lâu nhất của đế quốc Ottoman, từ năm 1520 cho đến khi ông qua đời năm 1566.
 Nghe tiếng kinh xé lòng phát đi khắp nơi 5 lần mỗi ngày bằng loa phóng thanh từ các đỉnh tháp nhọn của tất cả mọi nhà thờ hồi giáo trong thành phố, Thái San biết rằng người hồi giáo sẵn sàng chết cho Allah.

 THÁI SAN
(Istanbul, tháng 7/2013)

mardi 20 novembre 2012

ĐÀ LẠT THƯƠNG NHỚ

THÁI SAN
(Ảnh chụp năm 2010 tại Pháp)

Thơ Thái San


ĐÀ LẠT THƯƠNG NHỚ



Đà Lạt ơi!
Khi tôi mang tới cho người
Một đóa hoa cười
Mây hừng ôm núi chơi vơi

Đà Lạt ơi!
Khi tôi mang tới đôi lời
Hôn bóng nắng trời
Mây ngời tôi chợt yêu đời.

Đà Lạt ơi!
Vi vu xao xuyến thông chiều
Thương nhớ bao điều
Khi buồn khắc dấu tim yêu

Đà Lạt ơi!
Sương rơi mưa ướt vai thề
Gợi nhớ đường về
Ước mong thương người trăm bề.

Đà Lạt ơi!
Lung linh nước biếc diễm kiều
Mây gió mỹ miều
Chạm rừng vang tiếng chim kêu

Đà Lạt ơi!
Tim tôi nhung nhớ bao điều
Tha thiết đã nhiều
Mây trời yêu biết bao nhiêu!


THÁI SAN

(Trích tuyển tập thơ "Nhớ về Đà Lạt", Thái San, 2012)

dimanche 1 juillet 2012

HẬN TRĂNG (Thơ Thái San)



Thơ Thái San


HẬN TRĂNG


Hận tình đen, ném trăng ra cửa sổ
Trăng cứ về, nín lặng ánh đẩy đưa
Giận hình xen, buông màn chặn thêm nữa
Trăng xô cửa, khiếp một mặt đau khổ.

Vào làm gì, kiếp ê chề giông tố!
Trả tình si, tuổi xuân tàn môi tím
Chào làm chi, tim dập nát chẳng tìm
Đập bình đi, còn tin gì ái ố!

Hận tình đen, ném trăng ra cửa mộ
Trăng vẫn về, yên lặng đứng đẩy đưa
Giận tím đèn, gọi gió vòng tắt lửa
Trăng lần lữa, lấp ló bóng cây khô.

Tử thần ơi tha ta ra khỏi mồ!
Để ta về tát trăng giữa đêm khuya
Hận trăng về, để vết tình loang lổ
Hận trăm bề lề nghĩa địa sầu cô!

Trăng đừng về mà xương lạnh đáy hố
Tình chi nữa nợ thề thốt với trăng
Trăng tà già từng nét trăng nhạt trắng
Trăng bội bạc ôi bi đát trơ phô!

Trăng thầm thì, họa thi hồn trăng biết
Trăng gục chết, vần thơ chôn trăng viết
Tận bao giờ ta hóa người thiên cổ
Hết hận trăng khỏi hóa kiếp hồ đồ.


THÁI SAN

(Trích tuyển tập thơ "Tiếng gào thét trong đêm dài", Thái San, 2012)